Không có chỗ cho những kẻ “tranh” quà từ thiện của người nghèo!

/ Tin tức /

Không có chỗ cho những kẻ “tranh” quà từ thiện của người nghèo!

15/04/2020 - 458

Nếu lòng tốt đặt không đúng chỗ, để kẻ tham lợi dụng trục lợi, vừa làm giảm ý nghĩa của việc làm nhân văn cao cả, vừa làm mất cơ hội của những người nghèo cần sự giúp đỡ thực sự.

Trong những ngày cả nước khó khăn phòng chống dịch Covid-19, có nhiều người nghèo, xe ôm, người bán hàng rong… bình thường đã khó khăn, nay lại càng lâm vào cảnh khó khăn gấp bội. Trong những lúc như thế, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng chính là chiếc “phao cứu sinh” đối với họ. Thật cảm động ở khắp nơi trên cả nước, mọi người chung tay hỗ trợ người nghèo bằng những hành động thiết thực như may khẩu trang tặng người nghèo, phát quà từ thiện, bữa cơm miễn phí hay rút gạo từ các cây "ATM gạo" miễn phí…

Nhiều người nghèo khi cầm túi quà trên tay đã không khỏi xúc động, có người đã khóc vì “số gạo này giúp cứu đói gia đình chúng tôi trong lúc nhà không còn gì ăn”. Những việc làm tình nghĩa của những cá nhân, tổ chức hảo tâm đã góp phần giảm thiểu gánh nặng cơm áo cho nhiều người nghèo trong lúc khó khăn, nhưng trên hết là sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau làm ấm lòng cả người cho và nhận.

Những người đến siêu thị "0 đồng" đều được lấy thông tin cũng như là hoàn cảnh gia đình. (Ảnh: Vũ Toàn)

Cách đây ít lâu, khi các nhà hảo tâm ở Hà Nội và một số địa phương lân cận tổ chức từ thiện thường chia quà gồm mỳ tôm, trứng, khẩu trang… ra các túi và phát ở các điểm trên các tuyến đường. Cũng đã có không ít trường hợp đi xe tay ga, đeo đồ trang sức đắt tiền hay túi hàng hiệu…dừng lại ở các điểm này để “xin” đồ từ thiện. Khi báo chí phát hiện và đăng tải lên các phương tiện thông tin thì đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều.

Một số ít người, kể cả người phát đồ từ thiện thì cho rằng, đã làm từ thiện thì không nên xét nét chuyện ai lấy đồ, chắc chắn họ cần mới lấy. Hoặc có thể những người đi xe tay ga, đeo đồ trang sức đắt tiền hay túi hàng hiệu kia chỉ lấy hộ người nghèo.

Nhưng đa số ý kiến bức xúc, không thể lại có nhiều người đi xe tay ga, đeo đồ trang sức đắt tiền hay túi hàng hiệu…lấy hộ quà từ thiện cho người nghèo đến như vậy. Có lấy hộ cũng chỉ là một vài trường hợp chứ không thể liên tục nhiều người lại ghé vào “xin” quà từ thiện ở các điểm ven đường. Hành động của những người này đang cướp đi cơ hội của người nghèo cần sự hỗ trợ thực sự.

Mọi người đến xếp hàng chờ rút gạo "bằng chân" từ ATM gạo miễn phí đều tuân thủ quy định giữ khoảng cách 2m. (Ảnh: Vũ Toàn)

Ngay chính một số người phát quà từ thiện cũng chia sẻ, nhiều lần họ thấy cả người đi xe SH vào lấy đồ nên đã nhắc “nếu anh cần thực sự thì hãy lấy, còn không để nhường cho người khác”, nhưng những người này không cần để ý đến lời nhắc mà vẫn lấy đồ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người mở ATM rút gạo miễn phí "bằng chân" ở Hà Nội cũng thừa nhận, ông cũng đã từng làm từ thiện như vậy. Ông đã mua vài tạ gạo, chia vào các túi nhỏ rồi nhờ mọi người phát miễn phí, nhưng thấy không hiệu quả vì có tình trạng tụ tập đông người. Có những người không nghèo, thậm chí khá giả cũng vào nhận, như vậy sẽ khó kiểm soát việc ai thực sự cần giúp đỡ. Còn nếu để sẵn ở túi ở bàn phát từ thiện mà không có người giám sát, sẽ có người lấy đến nhiều túi, như vậy những người nghèo thực sự sẽ mất cơ hội.

Chẳng thế mà vừa qua, trong một clip quay tại điểm phát gạo, mì tôm, khẩu trang tại số 2 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân (Hà Nội) có những kẻ tham không đeo khẩu trang đã vào bàn để các túi đồ từ thiện lấy đi mấy túi đồ, mà đáng lẽ ra ai thực sự khó khăn cũng chỉ lấy 1 túi quà. Thậm chí, có một phụ nữ còn đem cả một túi to nhặt hết sạch phần quà trên bàn.

Những hành đồng của những kẻ tham như thế này thực sự gây bức xúc vì họ đã cướp miếng ăn của những người nghèo khác, và ăn cắp cả lòng tốt của những người làm từ thiện.

Nhưng thực sự đáng mừng, trong những ngày gần đây, trên khắp cả nước đã có nhiều sự hỗ trợ người nghèo nhưng với phương thức hiệu quả hơn rất nhiều. Đó là có nhiều cây ATM rút gạo được đặt ở nhiều điểm tại nhiều địa phương. Có những cây rút gạo như ở TPHCM, khi “thấy” những người đi xe tay ga, hoặc vòng qua lấy gạo nhiều lần đã không “nhả” gạo ra.

Một số cây ATM miễn phí gạo ở Hà Nội, khi người đến rút phải trải qua các khâu như xếp hàng, khai họ tên tuổi, địa chỉ, sát khuẩn… Theo người mở ATM này, mọi người thực hiện các khâu hết khoảng 15-20 phút, đủ thời gian để những người phát gạo quan sát cách ăn mặc, nói chuyện của họ, phần nào biết họ nghèo hay giàu.

Và trên thực tế, trong những ngày gần đây, số người đi xe tay ga, đeo đồ trang sức đắt tiền hay túi hàng hiệu… đến nhận gạo từ thiện đã giảm rất nhiều. Trong hàng ngàn người đi rút gạo “bằng chân” ở ATM tại Hà Nội chỉ có vài trường hợp đi xe tay ga, đeo đồ trang sức đắt tiền hay túi hàng hiệu. Gặp những người như thế, những người làm từ thiện đều hỏi han để biết rõ nguồn cơn, nếu thấy họ thực sự cần đến sự giúp đỡ thì mới cho nhận quà từ thiện, còn không họ sẽ được nhắc nhở nhẹ nhàng để nhường phần cho những người khó khăn hơn.

Tại điểm nhận nhu yếu phẩm ở siêu thị “0 đồng”, người nghèo sẽ được nhận nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm gồm gạo, trứng, mì tôm, quần áo, kể cả sách truyện với giá 0 đồng. Nhưng không phải bất cứ ai vào đây cũng đều có thể nhận được những món đồ như thế này, mà mọi người đều phải khai báo thông tin để xác minh xem có thực sự cần hỗ trợ, cũng như để phòng chống dịch khi chẳng may có ai bị mắc Covid-19. Mỗi người cũng chỉ được chọn 5 sản phẩm khác nhau như: gạo, đường, lạc, mắm, muối, dầu ăn... với tổng giá trị cho mỗi lần “mua sắm 0 đồng” là 100.000 đồng và tối đa 2 lần/tháng.

Có thể nói, việc làm giúp đỡ người nghèo đang ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn rất nhiều. Những người thực sự cần thiết sẽ được hỗ trợ kịp thời, còn những kẻ tham lợi dụng lòng tốt của cộng đồng cũng đã được hạn chế đáng kể.

Làm việc thiện là giúp đỡ mọi người, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế nếu lòng tốt đặt không đúng chỗ, để kẻ tham lợi dụng trục lợi, vừa làm giảm đi ý nghĩa của việc làm nhân văn cao cả, vừa làm mất đi cơ hội của những người nghèo cần sự giúp đỡ thực sự.

Vì thế việc phê phán, ngăn chặn kẻ tham trục lợi chính là giúp cho công việc từ thiện thêm ý nghĩa. Đó cũng chính là thông điệp mà Chủ tịch TP Hà Nội đã gửi đến người mở ATM rút gạo “bằng chân” ở Hà Nội “việc làm ý nghĩa, cố gắng để hỗ trợ đúng đối tượng, không để một người nhận hai lần”./.

An An/VOV.VN

Nguồn: https://vov.vn/blog/khong-co-cho-cho-nhung-ke-tranh-qua-tu-thien-cua-nguoi-ngheo-1036805.vov​

0937509788

Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn

https://www.facebook.com/tpcnmedibeauty